Chương trình tiếp nhận lao động thời vụ nước ngoài của Hàn Quốc – cơ hội đối với lao động Việt Nam

   
Cập nhật: 10/08/2020 02:45
Chương trình tiếp nhận lao động thời vụ nước ngoài của Hàn Quốc – cơ hội đối với lao động Việt Nam Xem lịch sử tin bài

Vài nét về sự thiếu hụt và nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của Hàn Quốc

Do già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp, Hàn Quốc có nhu cầu nhận nhiều lao động nước ngoài kể để bù đắp thiếu hụt lao động trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, nông nghiệp và ngư nghiệp. Với tỷ lệ sinh dưới 1 trẻ em trên 1 phụ nữ trong năm 2018, Hàn Quốc đang phải đối mặt với sự già hóa nhanh hơn bất kỳ quốc gia có nền kinh tế phát triển khác. Theo số liệu dự báo, khoảng 40% của dân số của Hàn Quốc sẽ vượt ngưỡng 65 tuổi vào năm 2050. Theo thống kê của phía Bạn, số lượng người nước ngoài tại Hàn Quốc khoảng gần 2,5 triệu, chiếm trên 4% dân số, hầu hết trong số này là lao động di cư từ Trung quốc và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Dù tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tại Hàn Quốc khoảng 10%, nhưng Hàn Quốc vẫn rất thiếu lao động trong những công việc trong lĩnh vực 3D (khó khăn, không sạch sẽ và nguy hiểm).

Để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội, nhiều năm qua Hàn Quốc đã tiếp nhận số lượng lớn lao động từ nước ngoài: Năm 2012 (57.000 lao động); Năm 2013 (62.000 lao động); Năm 2014 (53.000 lao động); Năm 2015 (55.000 lao động); Năm 2016 (58.000 lao động); Năm 2017 (56.000 lao động); Năm 2018 (56.000 lao động).

Năm 2019, Hàn Quốc cần tiếp nhận 56.000 lao động nước ngoài trong đó gồm 43.000 lao động mới và 13.000 lao động tái nhập cảnh. Chỉ tiêu được phân bổ cho các ngành nghề là 40.700 lao động ngành sản xuất chế tạo; 6.400 lao động trong ngành nông nghiệp và chăn nuôi; 2.500 lao động ngành ngư nghiệp; 2.300 lao động ngành xây dựng; 100 lao động ngành dịch vụ và số lượng 4.000 dự phòng để phân bổ sau căn cứ nhu cầu cụ thể của từng ngành.

 

Chương trình tiếp nhận lao động mùa vụ của Hàn Quốc

Từ năm 2017, nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt nhân lực đối với loại hình công việc mang tính chất mùa vụ trong lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp, trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khác của Hàn Quốc (Bộ Việc làm và Lao động, Bộ Thủy sản biển, Bộ Nông nghiệp Thực phẩm) xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù cho phép các địa phương cấp quận/huyện của Hàn Quốc có các trang trại, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp có nhu cầu về lao động thời vụ có thể tuyển dụng lao động nước ngoài vào làm những công việc có tính chất mùa vụ (tối đa là 3 tháng/mùa vụ, mỗi năm có 02 mùa (i) từ tháng 4 đến tháng 7 và (ii) từ tháng 8 đến tháng 11). Chương trình lao động thời vụ là chính sách đặc thù chưa được quy định trong luật pháp, chính sách của Hàn Quốc về tuyển dụng lao động nước ngoài nên các quy định và yêu cầu của Chương trình này được xây dựng dựa trên cơ sở các luật hiện hành về lao động và người lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc như Luật Lao động tiêu chuẩn, Luật Tiền lương tối thiểu và được Bộ Tư pháp Hàn Quốc đảm bảo việc tuân thủ và thực hiện.

Sau thời gian 03 tháng làm công việc mùa vụ theo hợp đồng, người lao động nước ngoài phải trở về nước. Người lao động có thể quay trở lại với hợp đồng mùa vụ 03 tháng tiếp theo nếu có nguyện vọng, được địa phương trong nước chọn lựa và giới thiệu. Người lao động nước ngoài được cấp thị thực C4, có thời hạn 03 tháng để thực hiện các công việc mang tính chất mùa vụ trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp. Bắt đầu từ ngày 24/12/ 2019, để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương và người lao động nước ngoài trong chương trình lao động mùa vụ, Bộ Tư pháp Hàn Quốc áp dụng thêm hình thức cấp visa mới cho loại hình lao động này, đó là thị thực E8 với thời hạn 05 tháng và mỗi năm được cấp 1 lần.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, đến nay chưa phát hiện những vấn đề phát sinh, vướng mắc như nợ lương, vi phạm luật lao động, xâm hại nhân quyền…, các địa phương tiếp nhận lao động, người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài rất hài lòng và đánh giá cao về chính sách này của Bộ Tư pháp Hàn Quốc.

Do là chính sách đặc thù nên Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã có hướng dẫn cho các địa phương có nhu cầu tiếp nhận lao động thời vụ nước ngoài (chương trình chỉ dành cho các địa phương cấp quận/huyện của Hàn Quốc) phương pháp, cách thức triển khai, thực hiện theo tiêu chuẩn cụ thể để Chương trình được vận hành một cách tốt nhất. Các địa phương căn cứ vào hướng dẫn nêu trên lựa chọn phương thức tiếp nhận và xây dựng phương án tiếp nhận (bao gồm toàn bộ quy trình phái cử và tiếp nhận) gửi Bộ Tư pháp để Bộ này thẩm định, xem xét quyết định cho phép địa phương đó có được tuyển dụng lao động mùa vụ hay không? Đối với những địa phương được cho phép tuyển dụng lao động thời vụ nước ngoài, để đảm bảo các địa phương thực hiện theo đúng theo đúng phương án tiếp nhận như đã đăng ký với Bộ Tư pháp đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người lao động nước ngoài, kịp thời phát hiện, giải quyết những phát sinh liên quan đối với người lao động, Bộ Tư pháp Hàn Quốc chỉ đạo thành lập ban kiểm tra bao gồm các cơ quan liên quan tại địa phương thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra (mỗi tháng tối thiểu 01 lần) tại địa phương sử dụng lao động thời vụ nước ngoài. Những địa phương thực hiện không đúng hoặc nhiều vụ việc phát sinh sẽ bị xem xét không được tiếp tục thực hiện chương trình hoặc giảm số lượng lao động được phép tiếp nhận.

Một số nội dung cần lưu ý về Bản Ghi nhớ

- Chính quyền địa phương tiếp nhận là cơ quan được Chính phủ Hàn Quốc (Bộ Tư pháp) ủy nhiệm, được quyết định toàn bộ quá trình tiếp nhận và sử dụng người lao động nước ngoài làm việc thời vụ ở địa phương đó. Chính quyền địa phương tiếp nhận có quyền lựa chọn kế hoạch, phương thức tiếp nhận, quản lý người lao động phù hợp với địa phương và quy định của chương trình để đề xuất lên Bộ Tư pháp cũng như có phương án đảm bảo thực hiện theo đúng kế hoạch đã báo cáo. Chỉ có chính quyền địa phương cấp quận/huyện của Hàn Quốc mới được thực hiện chương trình này trong phạm vị địa phương đó.

- Hai địa phương sẽ thỏa thuận, thống nhất toàn bộ nội dung quá trình phái cử, quyền lợi và trách nhiệm của các bên thể hiện bằng văn bản (hợp đồng phái cử và tiếp nhận).

- Chính quyền địa phương nước phái cử là cơ quan chủ trì trong công tác tuyển chọn, phái cử người lao động cư trú tại địa phương mình sang làm việc thời vụ tại địa phương của Hàn Quốc.

- Phía Hàn Quốc không quy định về chi phí phái cử, số tiền và đối tượng phải nộp. Những chi phí này do hai địa phương thỏa thuận thống nhất.

- Người lao động được tuyển chọn là công dân cư trú tại địa phương nước phái cử; độ tuổi từ trên 30 đến dưới 55 tuổi, có đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài, ký hợp đồng thời vụ với người sử dụng lao động Hàn Quốc.

- Địa phương phái cử phải xây dựng phương án phòng ngừa việc người lao động bỏ hợp đồng ra ngoài cư trú bất hợp pháp phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế tại địa phương, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ pháp luật trong nước.

Quyền lợi của người lao động và cơ chế giải quyết khi có tranh chấp phát sinh

a. Chế độ, quyền lợi của người lao động

Người lao động được đảm bảo về việc làm, thời gian làm việc (tối thiểu bằng 75% của thời hạn hợp đồng), chế độ lương tối thiểu, các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt theo Luật Lao động tiêu chuẩn, Luật Tiền lương tối thiểu (những nội dung liên quan này đều thể hiện trong Hợp đồng phái cử tiếp nhận giữa hai địa phương và Hợp đồng lao động theo hợp đồng), một số quy định liên quan cụ thể như sau:

- Thời gian, thời giờ làm việc: Hiện nay, theo của Luật Lao động tiêu chuẩn của Hàn Quốc, không áp dụng quy định về thời gian, thời giờ làm việc trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Tuy nhiên, đối với chương trình lao động thời vụ, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đảm bảo một tháng, người lao động tối thiểu được nghỉ 2 ngày, làm việc 4 giờ được nghỉ 30 phút trở lên, làm việc 8 giờ được nghỉ từ 01 giờ trở lên bao gồm cả thời gian ăn trưa.

- Hưởng lương theo hợp đồng từ mức lương tối thiểu theo quy định của Luật lương tối thiểu, làm thêm, làm vào ngày nghỉ được tính theo quy định của pháp luật về lao động hiện hành.

- Ăn ở: được chủ sử dụng cung cấp, đặc biệt phải bố trí ký túc xá cho người lao động, không được bố trí cho người lao động ở trong nhà bằng nylon hoặc container.

- Bảo hiểm: Người lao động bắt buộc phải được tham gia bảo hiểm tai nạn lao động. Đối tượng nộp chi phí bảo hiểm này do hai địa phương thỏa thuận thống nhất; đối tượng và cách thức chi trả chi phí khám chữa bệnh cho người lao động do hai địa phương thỏa thuận thống nhất.

b. Điều kiện để đảm bảo và cơ chế giải quyết khi có tranh chấp

- Bộ Tư pháp Hàn Quốc là cơ quan chủ trì, đảm bảo các điều kiện cho việc tiếp nhận và sử dụng lao động thời vụ nước ngoài.

- Bộ Tư pháp thẩm tra toàn diện tư cách của địa phương tiếp nhận, của chủ sử dụng, tính khả thi, hợp lý của phương án tiếp nhận của địa phương trước khi cho phép địa phương Hàn Quốc đó được tiếp nhận lao động thời vụ nước ngoài.

Nhu cầu của các địa phương Hàn Quốc

Hiện nay, các địa phương của Hàn Quốc đều có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là loại hình lao động ngắn hạn, đáp ứng nhu cầu về trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch cũng như đánh bắt và nuôi trồng thủy sản theo mùa vụ.

Trong 06 tháng đầu năm 2019, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cấp 2.597 visa cho 41 địa phương cấp quận/huyện thuộc 10 tỉnh, thành phố của Hàn Quốc để tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm các công việc mùa vụ, trong đó chỉ tiêu được duyệt cụ thể cho các địa phương như sau: (i) Tỉnh Gangwon, 10 quận/huyện/thành phố: 1.321 người; (ii) tỉnh Chungbuk/08 quận, huyện: 530 người; (iii) tỉnh Geongbuk, 07 quận/huyện: 287 người; (iv) tỉnh GyengGi, 03 quận/huyện:161 người; (v) tỉnh Chungnam, 03 quận/huyện: 104 người; (vi) tỉnh Jeonnam, 05 quận/huyện: 91 người; (vii) thành phố Jeju, tỉnh Jeju: 69 người; (viii) tỉnh Jeonbuk, 02 quận/huyên: 24 người; (ix) thành phố đặc biệt SeongJung: 05 và (x) tỉnh GeongNam: 05 người.

Về chỉ tiêu tiếp nhận năm 2020, hiện các địa phương đang tổng hợp nhu cầu của các trang trại, người sử dụng lao động có nhu cầu tiếp nhận lao động mùa vụ để trình Bộ Tư pháp xem xét, duyệt chỉ tiêu tiếp nhận. Theo thông tin tìm hiểu được, riêng tỉnh Kangwon (hiện đang hợp tác tiếp nhận lao động mùa vụ từ tỉnh Đồng Tháp) có nhu cầu tiếp nhận khoảng 5.000 lao động loại hình này trong năm 2020.

            Việc thí điểm triển khai đưa lao động mùa vụ sang làm việc tại Hàn Quốc

Thời gian qua, một số địa phương đã đàm phán về khả năng hợp tác đưa lao động mùa vụ sang làm việc tại các địa phương tại Hàn Quốc mà họ có ký Bản Ghi nhớ hợp tác. Tuy nhiên, do hình thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài này chưa được điều chỉnh trong quy định pháp luật của Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan hữu quan đã báo cáo và được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm Chương trình đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong thời gian 02 năm kể từ ngày 01/01/2018 (Nghị quyết Chính phủ số 13/NQ-CP ngày 08/02/2018).

Kể từ khi bắt đầu thí điểm chương trình đến hết tháng 12/2019, đã đưa được 776 lượt lao động từ 5 địa phương đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, số liệu cụ thể như sau: Đà Nẵng (thành phố Hòa Vang): 418 lao động; Hà Nam (79 lao động); Đồng Tháp (220 lao động); Thái Bình (44 lao động) và Bình Thuận (15 lao động).

Qua thời gian thực hiện thí điểm, các địa phương đã đánh giá đây là Chương trình thiết thực, tạo cơ hội việc làm phù hợp cho người nông dân, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động các địa phương, tạo điều kiện học hỏi kinh nghiệm và tăng thêm thu nhập. Sau thời gian 3 tháng, người lao động có khoản tiền thu nhập đem về nước khoảng 80 – 100 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện, các địa phương đã hỗ trợ một phần chi phí cho người lao động từ nguồn ngân sách địa phương để tạo điều kiện cho người lao động nghèo được tham gia Chương trình.

Khó khăn, vướng mắc và tồn tại trong quá trình thí điểm

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thí điểm, các địa phương cũng nhận thấy có một số khó khăn, vướng mắc cũng như tồn tại hạn chế như:

- Thời gian thực hiện thí điểm chưa đủ dài, trong khi đó việc đàm phán, ký kết Thỏa thuận của các địa phương với đối tác Hàn Quốc mất nhiều thời gian. Sau khi ký kết thì địa phương không còn nhiều thời gian để triển khai thực hiện. Mặt khác, do đặc thù công việc là thời vụ nên phía Hàn Quốc chỉ tiếp nhận lao động vào hai đợt trong một năm. Vì vậy, số lượng lao động đi làm việc theo hình thức này trong hai năm thí điểm vừa qua chưa đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của các địa phương Việt Nam và Hàn Quốc.

- Công tác tuyển chọn người lao động còn chưa được thực hiện trực tiếp, sát sao và cụ thể. Trên thực tế, đã xảy ra tình trạng người lao động được tuyển chọn và phái cử không phải là người của địa phương, không đúng đối tượng là lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực tế này đã dẫn đến một số vụ việc vi phạm của người lao động khi sang Hàn Quốc do không quen với công việc trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như người bỏ trốn sau khi kết thúc thời gian làm việc theo hợp đồng vì họ xuất cảnh sang Hàn Quốc không phải để làm công việc mùa vụ.

- Có tình trạng địa phương của Việt Nam kết nối với địa phương của Hàn Quốc để hợp tác về chương trình này thông qua doanh nghiệp, do vậy, doanh nghiệp đã tham gia vào công tác tuyển chọn và phái cử lao động sang Hàn Quốc. Cách làm này cũng dẫn tới hệ quả không mong muốn là người lao động, do có thể được tuyển chọn không đúng mục đích, không đúng đối tượng và có thể phải trả các khoản chi phí ngoài cho doanh nghiệp để được lựa chọn, nên đã tự ý ở lại Hàn Quốc sau khi kết thúc hợp đồng lao động để kiếm thêm thu nhập.

Đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả của Chương trình

Đây là một kênh hiệu quả tạo việc làm phù hợp ở ngoài nước đối với người lao động nghề nông nghiệp của Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho địa phương hai nước. Tuy nhiên, do hình thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài này chưa được điều chỉnh trong quy định pháp luật của Việt Nam, cần bổ sung nội dung này vào Luật sửa đổi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trước mắt, cần báo cáo trình Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai thí điểm cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về nội dung này.

Đề tiếp tục nâng cao hiệu quả Chương trình này, cần thực hiện một số nội dung sau:

- Đối với các địa phương đã ký Bản Ghi nhớ với phía Hàn Quốc: Đúc rút những cách làm tốt, khắc phục và xử lý dứt điểm những vấn đề còn tồn tại, hướng tới việc mở rộng quy mô và số lượng lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình này trong thời gian tới.

- Đối với các địa phương chưa ký kết Bản Ghi nhớ và có nhu cầu đưa lao động mùa vụ sang làm việc tại Hàn Quốc:  Có thể tìm hiểu cơ hội về khả năng hợp tác, đặt vấn đề với phía Hàn Quốc thông qua Đoàn công tác của các địa phương xúc tiến đầu tư, thương mại tại Hàn Quốc hoặc thông qua Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Hàn Quốc.

- Toàn bộ quy trình phải được thực hiện qua các cơ quan hữu quan/đơn vị sự nghiệp tại địa phương, phải đảm bảo tuyển chọn đúng đối tượng, phòng ngừa và giảm thiểu những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện./.

 

 

Nguyễn Như Tuấn

Scroll