Tiêu chuẩn chứng nhận đối với Doanh nghiệp Việt Nam đưa Thực tập sinh sang Nhật Bản

   
Cập nhật: 06/10/2019 08:28
Tiêu chuẩn chứng nhận đối với Doanh nghiệp Việt Nam đưa Thực tập sinh sang Nhật Bản
Xem lịch sử tin bài

I. Doanh nghiệp đưa đi của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau để được chứng nhận đủ điều kiện đưa thực tập sinh Việt Nam đi Nhật Bản:

 

 (1) Là doanh nghiệp đã được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Việt Nam và có đủ năng lực để đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.

(2) Chỉ tuyển chọn và đưa sang Nhật Bản những thực tập sinh mong muốn được tham gia Chương trình Thực tập kỹ năng với sự hiểu biết về mục đích của Chương trình Thực tập kỹ năng, sau khi về nước sẽ phát huy kết quả thực tập và đóng góp cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

(3) Quy định rõ ràng về tiền dịch vụ và các khoản phí khác thu từ thực tập sinh kỹ năng hoặc người muốn trở thành thực tập sinh kỹ năng (sau đây gọi chung là “thực tập sinh kỹ năng và các ứng viên”), thông báo công khai và giải thích cho thực tập sinh kỹ năng và các ứng viên hiểu rõ về các khoản thu đó.

(4) Hợp tác với Tổ chức quản lý Nhật Bản để quản lý thực tập sinh Việt Nam tại Nhật và cung cấp các hỗ trợ cần thiết như giới thiệu việc làm để thực tập sinh đã có thể vận dụng các kỹ năng đã tiếp thu được một cách thích hợp sau khi họ quay trở về Việt Nam.

(5) Hợp tác với các yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Lao động - Y tế - Phúc lợi Nhật Bản hoặc Cơ quan thực tập kỹ năng người nước ngoài để thực hiện Chương trình Thực tập kỹ năng đúng quy định và bảo vệ thực tập sinh kỹ năng (bao gồm cả việc hợp tác để làm bản khảo sát sau khi về nước đối với các thực tập sinh đã hoàn thành thời gian thực tập về nước).

(6) Doanh nghiệp đưa đi của Việt Nam hoặc những người điều hành doanh nghiệp không phải là người đang trong thời gian 5 năm kể từ ngày đã hết hạn tù hoặc kể từ ngày không phải thi hành án sau khi bị kết án tù giam trở lên tại nước Nhật Bản hoặc Việt Nam.

(7) Thực hiện các nghiệp vụ theo luật và các quy định của Việt Nam.

(8) Trong vòng 5 năm, doanh nghiệp đưa đi của Việt Nam hoặc những người điều hành doanh nghiệp không thực hiện các hành vi dưới đây:

        (a) Quản lý tiền hoặc tài sản của thực tập sinh kỹ năng và các ứng viên, người thân hoặc người có quan hệ với thực tập sinh kỹ năng và các ứng viên vì bất cứ lý do gì chẳng hạn như thu tiền bảo lãnh hoặc dưới bất kỳ danh nghĩa nào liên quan đến việc thực tập kỹ năng;

        (b) Ký hợp đồng quy định tiền bồi thường hoặc hợp đồng cho phép chuyển giao tiền bạc và các tài sản khác trong trường hợp vi phạm hợp đồng thực tập kỹ năng;

        (c) Có hành vi bạo lực, uy hiếp, vi phạm đến quyền tự do và các quyền con người khác của thực tập sinh kỹ năng; và

        (d) Sử dụng hoặc cung cấp các văn bản, hình ảnh bị làm giả hoặc thay đổi nội dung; các văn bản, hình ảnh không có thật nhằm mục đích nhận được cấp phép sai quy định khi làm thủ tục theo quy định của chương trình thực tập kỹ năng và quy định về quản lý xuất nhập cảnh của Nhật Bản.

(9) Kể từ ngày MOC có hiệu lực, Doanh nghiệp đưa đi của Việt Nam hoặc những người điều hành doanh nghiệp không thực hiện các hành vi dưới đây:

        (a) Để cho môi giới trung gian can thiệp vào việc tuyển chọn thực tập sinh hoặc can thiệp vào việc hợp tác đưa đi và tiếp nhận thực tập sinh giữa doanh nghiệp Việt Nam và tổ chức quản lý Nhật Bản hoặc có hành vi hối lộ, trả tiền hoa hồng cho tổ chức quản lý Nhật Bản;

        (b) Sử dụng hoặc cung cấp các văn bản, hình ảnh bị làm giả hoặc thay đổi nội dung; các văn bản, hình ảnh không có thật nhằm mục đích nhận được cấp phép sai quy định khi làm thủ tục theo quy định của chương trình thực tập kỹ năng và quy định về quản lý xuất nhập cảnh của Nhật Bản;

        (c) Không thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký với thực tập sinh và tổ chức quản lý Nhật Bản hoặc ký hợp đồng bí mật với thực tập sinh và tổ chức quản lý Nhật Bản có các điều khoản trái quy định;

        (d) Cho tổ chức, cá nhân khác mượn pháp nhân để thực hiện việc đưa người lao động Việt Nam đi thực tập tại Nhật Bản;

        (e) Cung cấp thông tin, báo cáo không đầy đủ hoặc sai sự thật cho tổ chức quản lý Nhật Bản và cơ quan chức năng hai nước; và

        (f) Các hành vi vi phạm khác theo quy định hiện hành của hai nước liên quan đến chương trình thực tập kỹ năng.

(10) Khi điều phối các đăng ký tham gia Chương trình thực tập kỹ năng cho Tổ chức quản lý Nhật Bản, phải xác nhận với ứng viên thực tập sinh kỹ năng về việc khi đăng ký thực tập kỹ năng, thực tập sinh kỹ năng, gia đình và người có quan hệ với thực tập sinh kỹ năng không bị thực hiện các hành vi quy định ở điểm (a) và (b) của Điểm 8;

 (11) Phải nhận thức được tầm quan trọng của việc xử lý vấn đề bỏ trốn của thực tập sinh, hợp tác với Tổ chức quản lý Nhật Bản và nỗ lực phòng chống việc thực tập sinh bỏ trốn; và

 (12) Có đủ năng lực cần thiết để điều phối cho tổ chức quản lý Nhật Bản các đơn đăng ký thực tập kỹ năng một cách thích hợp.

 

II. Sau khi được chứng nhận đủ điều kiện để đưa thực tập sinh sang Nhật Bản, nếu trong quá trình triển khai hoạt động đưa thực tập sinh sang Nhật Bản, Doanh nghiệp đưa đi được chứng nhận của Việt Nam không đáp ứng hoặc vi phạm một trong các tiêu chuẩn quy định tại mục I sẽ bị loại khỏi danh sách Doanh nghiệp đưa đi được chứng nhận của Việt Nam.

 

III. Cơ quan đầu mối của hai nước sẽ thảo luận và xác nhận các điều kiện đặc biệt về năng lực của Doanh nghiệp đưa đi của Việt Nam

 

* Về việc chứng nhận Doanh nghiệp đưa đi của Việt Nam, Bộ Việt Nam sẽ bắt đầu thủ tục từ ngày 01/8/2017 và cung cấp danh sách đầy đủ Doanh nghiệp đưa đi của Việt Nam được chứng nhận cho Bộ Nhật Bản trước ngày 01/4/2018. Bộ Nhật Bản sẽ chỉ chấp nhận những thực tập sinh được đưa đi bởi Doanh nghiệp đưa đi của Việt Nam có tên trong danh sách từ ngày 01/9/2018.

 

Scroll