Quy chế ban thị trường Nhật Bản

   
Cập nhật: 05/09/2019 10:17
Xem lịch sử tin bài

HIỆP HỘI XUẤT KHẨU         CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨAVIỆT NAM

LAO ĐỘNG VIỆT NAM                         Độc lập – Tự Do – Hạnh Phúc

      

 

QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA

BAN THỊ TRƯỜNG NHẬT BẢN

Ban hành kèm theo Quyết định số 19  / QĐ – HHXKLĐVN,

ngày 24  tháng 11 năm 2015 của Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam

 

CHƯƠNG I

Quy định chung

Điều 1: Tên gọi

    Ban thị trường Nhât Bản (sau đây gọi là Ban) là tổ chức trực thuộc Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam, được thành lập theo quyết định của Chủ tịch Hiệp hội, sau khi đã thống nhất trong Ban Chấp hành Hiệp hội.

            Tên giao dịch tiếng Anh là: Japan Market Section ( JMS)

Điều 2: Thành viên

     Thành viên của Ban bao gồm đại diện của các doanh nghiệp (DN) được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam  đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đang cung ứng thực tập sinh ( TTS ) cho thị trường Nhật Bản, tự nguyện đăng ký tham gia, công nhận và cam kết thực hiện quy chế này.

Điều 3: Nguyên tắc hoạt động

      Ban hoạt động dưới sự chỉ đạo của Thường trực Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (sau đây gọi là thường trực Hiệp hội) theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

CHƯƠNG II

Mục tiêu, nhiệm vụ

Điều 4: Mục tiêu  

     Hoạt động của Ban nhằm hướng tới sự tăng cường đoàn kết, gắn bó, hợp tác, đồng thuận, chia sẻ các kinh nghiệm và hiểu biết về thị trường, hỗ trợ và giám sát lẫn nhau giữa các thành viên. Qua đó, tăng sức mạnh của cộng đồng Doanh nghiệp, gia tăng quy mô cung ứng TTS sang thị trường Nhật bản trên cơ sở lành mạnh hóa và phát triển bền vững thị trường, bảo đảm quyền lợi của TTS và của cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam.

Điều 5: Nhiệm vụ  

1. Căn cứ vào tình hình thị trường trong và ngoài nước từng thời kỳ, Ban thống nhất giữa các thành viên về quy trình cung ứng và đào tạo TTS Việt Nam sang làm việc tại thị trường Nhật Bản, chủ động trong tạo nguồn để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng của thị trường; thống nhất về các điều kiện tối thiểu về trách nhiệm, quyền lợi của người lao động, và của doanh nghiệp Việt Nam trong hợp đồng.

2. Yêu cầu các thành viên cùng ký cam kết thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ các chi phí trung gian tạo nguồn; mức thu phí quản lý, tiền hỗ trợ đào tạo, vé máy bay; không khoán trắng các hoạt động cho đối tác nước ngoài; không bán tư cách pháp nhân cho đối tác trong và ngoài nước.

1. Tăng cường sự tự giám sát và giám sát của các doanh nghiệp phái cử trong việc thực hiện các quy định của nhà nước và các cam kết trong nội bộ Ban; phát giác các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phản ánh kịp thời với Thường trực Hiệp hội, cơ quản lý nhà nước để xem xét xử lý.

2. Tạo các cơ hội để các thành viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong công tác phái cử TTS.

3.Tăng cường quan hệ với các nghiệp đoàn, hiệp hội của Nhật Bản để mở rộng thị trường, quản lý và bảo vệ quyền lợi TTS và xử lý các vụ việc phát sinh.

4. Tư vấn,  hướng dẫn về thị trường, phổ biến kinh nghiệm, mô hình tốt của các thành viên trong hoat động cung ứng TTS , kinh nghiệm khắc phục tình trạng TTS làm việc bất hợp pháp và  xử lý các sự cố, rủi do phát sinh đối với TTS làm việc tại Nhật Bản .

   

 

CHƯƠNG III

Quyền hạn, trách nhiệm

       Điều 6: Quyền và trách nhiệm các thành viên

        1.Thành viên của Ban có quyền bình đẳng trong tham gia xây dựng các định hướng hoạt động, các quyết nghị của Ban; cam kết thực hiện nghiêm các quy định của cơ quan quản lý nhà nước, quyết nghị của Ban; có quyền và trách nhiệm  phát hiện và đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm của các doanh nghiệp khác làm ảnh hưởng xấu đến ổn định thị trường

      2. Doanh nghiệp thành viên chấp hành tốt được hưởng các ưu đãi, khuyến khích theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước và Hiệp hội.

      3. Doanh nghiệp thành viên vi phạm các cam kết trong Bản quy chế này, tùy thuộc mức độ vi phạm sẽ xem xét lại tư cách thành viên của Ban và các quyền lợi khác.

Điều 7: Quyền và trách nhiệm lãnh đạo Ban

       1.Xây dựng chương trình, kế hoạch và duy trì hoạt động của Ban để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Ban;

       2.Nghiên cứu, ban hành mẫu đơn xin gia nhập Ban, trong đó có các quy định cần thống nhất thực hiện trong quy trình đưa TTS đi làm việc tại Nhật Bản để các thành viên ký cam kết thực hiện; đồng thời là cơ sở để xem xét trách nhiệm của thành viên vi phạm;

        3. Giám sát hoạt động của các thành viên và các doanh nghiệp khác, phát hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm quy định của nhà nước và của Ban để kiến nghị với Thường trực Hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước xem xét xử lý; bảo đảm bí mật thông tin nhạy cảm đối với người cung cấp.

        4.Chuẩn bị và tổ chức các cuộc họp toàn Ban; đề xuất kiến nghị với lãnh đạo Hiệp hội, với cơ quan quản lý nhà nước về các khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ và các cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích các DN hoạt động và chấp hành tốt;

       5.Thay mặt các thành viên trong việc tiếp xúc với tổ chức đối tác tương ứng để thương thảo những vấn đề cần thiết cho việc lành mạnh hóa và phát triển bền vững thị trường.

        6.Quyết nghị của Lãnh đạo Ban có hiệu lực thi hành trong toàn thể các thành viên khi có 2/3 số ủy viên trở lên tán thành.

 

CHƯƠNG IV

Tổ chức, hoạt động và kinh phí

Điều 8: Tổ chức Ban

Lãnh đạo Ban do Chủ tịch Hiệp hội bổ nhiệm, gồm 01 trưởng ban, một số  phó trưởng ban  và các ủy viên. Cơ cấu và nhân sự lãnh đạo ban có thể được bổ sung hoăc thay đổi cho phù hợp với yêu cầu hoạt động thực tế. Nhiệm vụ của các ủy viên trong Ban lãnh đạo do Trưởng ban phân công .

 

Điều 9: Hoạt động của Ban

       Mọi hoạt động của Ban tuân thủ các quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản pháp luật khác có liên quan, Điều lệ của Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam và Bản Quy chế này;

Điều 10: Kinh phi hoạt động

1. Kinh phí hoạt động của Ban do các thành viên đóng góp và vận động tài trợ, được hạch toán công khai. Mức đóng do Hội nghị thành viên quyết định.

2. Kinh phí chi cho khen thưởng và các hoạt động mà Hiệp hội chủ trì có liên quan đến Ban do Hiệp hội xem xét đài thọ.

CHƯƠNG V

Điều khoản thi hành

Điều 11: Hiệu lực thi hành

        Quy chế này có hiệu lực thi hành từ ngày Chủ tịch Hiệp hội ký quyết định ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, Trưởng Ban báo cáo thường trực Hiệp hội xem xét bổ sung, sửa đổi.

 

TM.BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

 

Đã ký : NGUYỄN LƯƠNG TRÀO

 

 

 

 

 

 

 

Scroll